Công ty (Company)

Công ty (Company)

Công ty là sự liên kết của hai hay nhiều người (cá nhân hay pháp nhân) bằng một sự kiện pháp lý trong đó các bên thỏa thuận với nhau sử dụng tài sản hay khả năng của họ nhằm tiến hành các hoạt động để đạt mục tiêu chung.

Các thành viên cùng chia lợi nhuận, cùng chịu lỗ tương ứng với phần góp vốn và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phần vốn của mình góp vào công ty.

Phân loại các loại hình doanh nghiệp

  • Theo quy định của luật doanh nghiệp:

Có 5 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Công ty cổ phần (Joint stock company)

Công ty cổ phần là công ty trong đó vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau, nhỏ nhất gọi là cổ phần. Các thành viên của công ty (cổ đông) có thể sở hữu một hoặc nhiều cổ phần và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần mà họ nắm giữ. Công ty có quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, có khả năng huy động nguồn vốn lớn và sự dịch chuyển vốn linh hoạt giữa các nhà đầu tư, thích hợp cho hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH 1 thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH 1 thành viên không được quyền phát hành cổ phiếu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó: Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên tối thiểu là 2 và không vượt quá 50; Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Pháp luật quy định: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH 2 thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phiếu.

Công ty hợp danh (Partnership)

Công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn.

Các thành viên công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, còn các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân được đăng ký kinh doanh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật do một cá nhân làm chủ, có trụ sở giao dịch, tài sản, có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của công ty. Chủ Doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân như các loại hình doanh nghiệp khác, chủ doanh nghiệp có thể tự mình hoặc thuê người khác điều hành, quản lý mọi hoạt động của doanh nghiệp.

  • Phân loại theo quy mô thu nhập

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: là doanh nghiệp có vốn vừa phải, và tùy theo từng nước, mức độ vốn của các doanh nghiệp này là khác nhau.

Ở Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp có số người lao động từ 10 người đến 300 người, có số vốn kinh doanh từ 1 tỷ VNĐ đến 10 tỷ VNĐ ( tức 62.000 USD đến 620.000 USD), có doanh số hàng năm từ 2 tỷ VNĐ đến 30 tỷ VNĐ ( tức từ 120.000 USD đến 1800.000 USD). Đây là hình thức kinh doanh phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay.

Doanh nghiệp lớn: là doanh nghiệp có số người lao động từ 300 người trở lên, có số vốn kinh doanh từ 10 tỷ VNĐ trở lên và có doanh số hàng năm từ 30 tỷ VNĐ trở lên. Đó là các công ty Quốc Gia, công ty xuyên Quốc Gia, các tập đoàn kinh tế.

  • Theo phương thức kinh doanh

Sản xuất hàng hoá (sản phẩm hay dịch vụ)

Thương mại (mua bán)

Môi giới tư vấn tri thức

Móc nối giữa các doanh nghiệp…

Các hình thức công ty khác

Công ty con (Subsidiary company)

Công ty con là công ty có một phần hoặc toàn bộ cổ phần được sở hữu và kiểm soát bởi một công ty mẹ. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định.

Công ty con có thể hoạt động độc lập và có riêng mình các hoạt động kinh doanh, tài chính, và quản lý. Công ty con có thể hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh doanh hoặc trong các lĩnh vực khác nhau so với công ty mẹ, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và mục tiêu của tập đoàn.

Công ty mẹ (Holding company)

Là một doanh nghiệp sở hữu quyền kiểm soát một doanh nghiệp khác và có khả năng điều hành hoạt động của nó. Theo cách đơn giản, một công ty mẹ đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động thực sự sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ và không có bất kỳ hoạt động thực tế nào.

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
  • Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
  • Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Công ty liên doanh (Joint Venture Company)

Công ty liên doanh là công ty do 02 bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam, trên cơ sở là hợp đồng liên doanh, hoặc hiệp định ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với công ty có vốn đầu tư hợp tác với công ty Việt Nam, hoặc với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

Công ty liên doanh có thể được thành lập dưới hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh.

Công ty liên kết (Affiliated Company)

Công ty liên kết là mô hình liên kết được thành lập bởi ít nhất hai hoặc nhiều chủ thể kinh doanh (công ty) liên kết thực hiện hoạt động kinh doanh với nhau thông qua hình thức nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp từ 50% trở xuống nhằm mục đích liên kết hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận.

Công ty niêm yết (Listed company)

Công ty niêm yết là một công ty công cộng mà trong đó cổ phiếu được phép mua bán trên các thị trường chứng khoán. Đây được xem là một hình thức phát triển cao nhất của một công ty. Bởi sau khi đã trở thành công ty niêm yết, tức sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước.

Do chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ cơ quan nhà nước cùng sự công khai, minh bạch các thông tin về cổ phiếu,.. công ty niêm yết thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công ty đại chúng (Public company)

Công ty đại chúng là những công ty thực hiện huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán.

Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Công ty quản lý quỹ (Fund management company)

Công ty quản lý quỹ là tổ chức chuyên quản lý các quỹ đầu tư cho khách hàng. Họ nghiên cứu thị trường, tạo chiến lược đầu tư, và quản lý rủi ro để đạt lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư. Công ty quản lý quỹ cung cấp dịch vụ quản lý chuyên nghiệp và tiết kiệm thời gian cho những người không muốn tự quản lý đầu tư của mình.

Công ty quản lý quỹ là một mô hình được bắt đầu và xây dựng từ nước Mỹ, tại Việt Nam tổ chức này được thanh lập dựa theo luật chứng khoán để thực hiện các nhiệm vụ chính như: quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Loại hình doanh nghiệp nào phổ biến hiện nay?

Trong số các loại hình doanh nghiệp kể trên, hiện nay phổ biến nhất là công ty TNHH và công ty cổ phần, lý do như sau:

-  Đây đều là những loại hình doanh nghiệp mà cổ đông (đối với công ty cổ phần) và chủ sở hữu (đối với công ty TNHH) chỉ phải chịu trách nhiệm trong phần vốn góp vốn của mình về các nghĩa vụ của công ty; không phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình như đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh hay chủ doanh nghiệp tư nhân;

- Được phát hành trái phiếu cũng như cổ phần (nếu là công ty cổ phần) nên dễ dàng trong việc huy động các nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Câu hỏi thường gặp

1. Theo Luật Doanh nghiệp có mấy loại công ty?

Có 5 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

2. Loại hình doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Loại hình doanh nghiệp nào được phát hành cổ phiếu?

Công ty cổ phần là loại hình công ty duy nhất được phát hành cổ phiếu, chào bán các loại cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

4. Phân biệt các loại hình doanh nghiệp dựa trên những đặc điểm nào?

Để phân biệt các loại hình doanh nghiệp chúng ta có thể dựa vào hai tiêu chí đó là số lượng thành viên công ty, tư cách pháp nhân và 1 một số tiêu chí khác như vốn điều lệ, chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn, cơ cấu tổ chức, khả năng huy động vốn.

5. Loại hình doanh nghiệp nào phổ biến nhất?

Từ thực tế cho thấy, công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp phổ biến và được nhiều người lựa chọn khi thành lập doanh nghiệp nhất do cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ quản lý.

6. Nên lựa chọn loại hình nào khi thành lập doanh nghiệp?

Tùy từng nhu cầu của người thành lập có thể lựa chọn 1 trong 5 loại hình doanh nghiệp như trên. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết hiện nay đối với các ngành nghề kinh doanh không có điều kiện đặc biệt, người khởi nghiệp thường lựa chọn 3 loại hình công ty là: công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

7. Công ty TNHH có quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn hay không?

Theo quy định tại Điều 46 và Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên đều được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.