Công cụ tính lãi suất ngân hàng

Công cụ tính lãi suất tiết kiệm giúp tính toán số tiền lãi theo từng kỳ hạn và so sánh lãi suất ngân hàng cao nhất. Cập nhật liên tục, dễ hiểu và chính xác. Tra cứu ngay!

VND

Sắp xếp nâng cao:

Lãi suất là gì? Lãi suất ngân hàng là gì?

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm mà người đi vay phải trả để sử dụng vốn vay trong một khoảng thời gian nhất định. Số tiền sinh ra này được gọi là “tiền lãi” mà người vay tiền cần phải trả thêm cho người cho vay bên cạnh số tiền gốc đã vay. Tỷ lệ lãi suất này được thoả thuận giữa người vay và người cho vay.

Lãi suất ngân hàng là tỷ lệ phần trăm giữa tiền vốn ngân hàng nhận vào hoặc tiền vốn ngân hàng cho vay so với số tiền lãi trong một thời gian nhất định. Tỷ lệ lãi suất này được ngân hàng quy định trong hợp đồng vay mượn hoặc do ngân hàng và người vay tiền tự thỏa thuận với nhau.

Hiện nay, có khá nhiều loại lãi suất khác nhau. Tuy nhiên, hai loại lãi suất phổ biến nhất có thể kể đến là lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

  • Lãi suất tiền gửi là mức lãi suất mà ngân hàng hoặc tổ chức tài chính phải chi trả cho các khoản tiền gửi của khách hàng đã gửi vào đó sau một khoảng thời gian xác định. Tuỳ vào hình thức tiền gửi sẽ có mức lãi suất tương ứng. Các hình thức tiền gửi bao gồm tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn…Mức lãi suất tiền gửi phụ thuộc vào số tiền, kỳ hạn và thời gian gửi. Tiền gửi VND và ngoại tệ cũng có mức lãi suất khác nhau.
  • Lãi suất cho vay là mức lãi suất mà người đi vay phải trả kèm theo tiền gốc cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sau một khoảng thời gian xác định. Lãi suất cho vay được chia thành nhiều mức phụ thuộc vào hình thức vay. Các hình thức vay phổ biến hiện nay bao gồm vay tín dụng, vay ngắn hạn, vay trả góp, vay thấu chi, vay thế chấp, vay tín chấp...

Thông tin mới nhất về quy định lãi suất tiết kiệm

Hiện hành, mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam được quy định tại Quyết định 1812/QĐ-NHNN năm 2022 như sau:

Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,0%/năm.

Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5%/năm.

Ngân hàng áp dụng lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân dựa trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cách tính lãi suất ngân hàng theo tháng có kỳ hạn

Con số lãi suất theo phần trăm dường như là chưa đủ rõ. Đa phần mọi người sẽ thắc mắc về số tiền lãi thực nhận. Dưới đây là công thức tính lãi suất ngân hàng theo tháng đối với khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn

Công thức chung để tính tổng lãi suất vào cuối kỳ hạn như sau:

Tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm) x Số ngày gửi / 365

Ví dụ, theo công thức trên:

  • Nếu bạn gửi 50 triệu tại ngân hàng, với kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng có mức lãi suất là 4.7%.

    Số tiền lãi bạn nhận được sẽ là: 50.000.000 x 0,047 x 30/365 = 579.452 đồng.

  • Nếu bạn gửi 50 triệu tại ngân hàng, với kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng có mức lãi suất 6,1%

    Số tiền lãi bạn nhận được sẽ là: 50.000.000 x 0,061 x 365/365 = 3.050.000 đồng.

  • Nếu bạn gửi 50 triệu tại ngân hàng, với kỳ hạn 24 tháng tại ngân hàng có mức lãi suất 6,5%

    Số tiền lãi bạn nhận được sẽ là: 50.000.000 x 0,065 x 730/365 = 6.500.000 đồng.

Gửi tiết kiệm có kỳ hạn sẽ nhận được lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Tuy nhiên, bạn phải rút tiền vào cuối kỳ hạn như đã cam kết.

Phía trên là con số tổng lãi bạn sẽ nhận được khi rút tiền vào cuối kỳ hạn. Nếu bạn thắc mắc về số tiền lãi mỗi tháng bao nhiêu, có thể tham khảo công thức sau:

Tiền lãi hàng tháng = Số tiền gửi x Lãi suất (%năm) x Số tháng gửi / 12

Giả sử bạn gửi tiết kiệm 50 triệu với lãi suất 6.1%/năm, số tiền lãi mỗi tháng sẽ là: 50.000.000 x 0.061/12 = 254.167 đồng.

Trong trường hợp bạn rút tiền trước khi kết thúc kỳ hạn, ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn.

Những thông tin cần quan tâm khi gửi tiết kiệm ngân hàng

Bên cạnh lãi suất khi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, khách hàng cũng có thể quan tâm thêm những thông tin về vốn hóa, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hay hệ số an toàn vốn CAR. Đây là các thông tin nâng cao mà bạn có thể dùng ngay trên bảng tổng hợp lãi suất mà Stag vừa cập nhật ở trên. Để hiểu hơn về những khái niệm này, bạn hãy cùng Stag tìm hiểu nhé!

Vốn điều lệ - Charter capital

Vốn điều lệ ngân hàng thương mại là vốn được chủ sở hữu thực cấp hoặc số vốn các cổ đông, thành viên góp vốn thực góp và ghi trong Điều lệ của ngân hàng. Theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước thì vốn điều lệ thực của Ngân hàng thương mại không được thấp hơn vốn pháp định cụ thể là 3.000 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có thể được gia tăng bằng cách:

  • Trích từ quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại hoặc từ các nguồn quỹ khác.
  • Phát hành các loại cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
  • Thực hiện chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu phổ thông.
  • Vốn do chủ sở hữu hoặc các thành viên góp vốn cấp thêm.

Vì sao khách hàng cần quan tâm tiêu chí này?

Vốn điều lệ thể hiện sự cam kết bằng tài sản đối với khách hàng. Do bản chất hoạt động của ngân hàng là kinh doanh tín dụng, với nguồn vốn cực kỳ lớn. Vốn điều lệ ngân hàng do nhiều thành viên đóng góp giúp cho bản thân ngân hàng có đủ nguồn vốn để duy trì hoạt động của mình, cũng là cam kết trách nhiệm của các thành viên góp vốn.

Độ uy tín cao: Vốn điều lệ là một trong những tiêu chí cần quan tâm khi đầu tư của các nhà đầu tư, hoặc đối với những người gửi tiền thông minh. Họ sẽ nhìn vào vốn điều lệ của ngân hàng để ra quyết định nên gửi tiền vào ngân hàng nào. Bởi khi có vốn điều lệ lớn cũng đồng nghĩa với khả năng thu hút vốn của ngân hàng lớn và uy tín được bảo đảm.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR - Loan Loss Reserve Ratio

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là một trong những chỉ số đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro tín dụng. Tỷ lệ này được tính trên số dư dự phòng cần trích lập trên trên tổng số dư nợ được xếp hạng là nợ xấu của ngân hàng.

Vì sao tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao là tín hiệu tích cực?

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% cho thấy, trong trường hợp xấu nhất khi toàn bộ nợ xấu của ngân hàng không thể thu hồi thì ngân hàng đã có sẵn dự phòng xử lý, không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong trường hợp ngân hàng thu hồi được nợ xấu, thì ngân hàng có thể hoàn nhập dự phòng, số vốn hoàn nhập này được xem là “của để dành” cho tương lai. Ngân hàng có chiến lược phòng thủ và sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng duy trì mục tiêu kép là tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt.

Hệ số an toàn vốn CAR - Capital Adequacy Ratio

Hệ số an toàn vốn (CAR) về cơ bản là hệ số đánh giá khả năng của ngân hàng có đủ nguồn vốn “đệm” để hấp thụ rủi ro tín dụng nợ xấu của ngân hàng hay không. Hệ số CAR tiêu chuẩn hóa khả năng của các ngân hàng trong việc thanh toán các khoản nợ, giải quyết các rủi ro tín dụng và hoạt động.

Công thức được sử dụng để đo lường hệ số an toàn vốn là

CAR = (Vốn cấp I + Vốn cấp II) / Tài sản có trọng số rủi ro

Trong đó:

  • Vốn cấp I là dòng vốn có sẵn vĩnh viễn và dễ dàng để bù đắp cho các khoản lỗ mà ngân hàng phải chịu mà không phải ngừng hoạt động, bao gồm vốn chủ sở hữu của cổ đông và lợi nhuận để lại.
  • Vốn cấp II là nguồn vốn được sử dụng để xử lý các khoản lỗ nếu một ngân hàng mất tất cả vốn cấp 1 của mình, bao gồm dự trữ đánh giá lại, dự trữ chưa công bố, công cụ vốn hỗn hợp và nợ thứ cấp có kỳ hạn.
  • Tài sản có trọng số rủi ro được tính bằng cách xem xét các loại tài sản của ngân hàng để đánh giá rủi ro và sau đó ấn định trọng số. Trọng số càng cao nghĩa là là tính rủi ro càng lớn. Ví dụ, tiền mặt hay các khoản vay cấp cho chính phủ hoặc tổ chức tài chính quốc tế có trọng số 0,0%, trong khi các khoản mua cổ phần có thể được ấn định tỷ trọng lên đến 100,0%.

Vì sao khách hàng cần quan tâm tiêu chí này?

CAR dùng để xác định năng lực của ngân hàng trong việc đáp ứng các khoản nợ phải trả có thời hạn và các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các rủi ro khác.

Các ngân hàng có vấn đề có thể bị lỗ khoản vay lớn có thể dẫn đến phá sản. Khi đó sẽ không có đủ tiền để trả cho người gửi tiền. Đây là lý do tại sao CAR là yếu tố cần thiết để đo lường sức khỏe tài chính và độ tin cậy của mọi hệ thống ngân hàng hoạt động trong nước.

Một ngân hàng có hệ số CAR tốt sẽ có đủ vốn để hấp thụ các khoản lỗ tiềm ẩn. Người gửi tiền do đó có thể yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng có hệ số CAR tốt.

Stag Invest

Bắt đầu hành trình tự do tài chính của bạn với Stag ngay hôm nay